️🍀 Thực sự rằng, việc một con người bình thường tồn tại giữa xã hội với vô số liên kết, những mối quan hệ, và cám dỗ của cuộc sống thì việc để họ tìm thấy sự an lạc trong tâm hồn là điều khó, thậm chí rất khó. Đó cũng là lý do giải thích tại sao trong quá khứ, có rất nhiều những vị chân tu đã phải quyết tâm rũ áo bụi trần, đi vào chốn núi cao rừng thẳm, bởi cuộc sống xung quanh con người có quá nhiều ràng buộc và khuấy nhiễu.
Rất nhiều người đã cố gắng tìm kiếm sự an ổn bằng việc mở rộng ra ngoài, đó có thể là sự tìm kiếm giúp đỡ bằng tinh thần hay vật chất, nhưng dù có là gì chăng nữa, sẽ luôn có ngưỡng tới hạn của nó. Tiền bạc giúp trang trải chi phí cuộc sống, quyền lực giúp đạt được những lợi ích cá nhân, tình dục giúp giải tỏa những nhu cầu cơ thể.
️🍀 Nhưng khi ai đó bắt đầu kiếm được một số tiền đủ để họ giải quyết những nhu cầu cơ bản cho bản thân và gia đình, thì tiền bạc bắt đầu lộ ra nhược điểm của nó, số tiền càng tăng thì mức độ vui vẻ mà nó tạo ra sẽ bắt đầu giảm dần, và đến một lúc nào đó sẽ trở nên hoàn toàn vô nghĩa, khi ấy nhiều người sẽ không biết nên làm gì với nó với nghĩa đen hoàn toàn. Họ trở nên chán chường, và cố gắng chi nhiều tiền hơn nữa cho cuộc tìm kiếm bên ngoài ở mức độ rộng hơn, thậm chí có vẻ điên rồ với đa số mọi người. Điều này lý giải tại sao có khách hàng sẵn sàng chi trả hàng triệu đô la cho một chuyến du lịch bay ra ngoài không gian của Space Adventure, hay tỉ phú Hamad Bin Hamdan Al Nahyan đã bỏ ra 22 tỉ đô chỉ để viết tên mình đủ lớn sao cho có thể nhìn thấy từ ngoài vũ trụ, bằng cách thuê người đào cát trên một hòn đảo. Chúng ta cần hiểu ràng, dù cho sự khuây khỏa do tiền bạc tạo ra ở mức độ nào chăng nữa, nó cũng chỉ là tạm thời và ngắn ngủi, sau cùng người đó sẽ trở lại đối diện với chính mình và nhận ra sự trống rỗng chợt hiện hữu trở lại. Ở đây tôi không lên án việc tìm kiếm của cải, mà điều tôi nói rằng chúng ta phải hiểu đúng về tiền bạc, tìm kiếm nó một cách chân chính và đủ để đáp ứng những nhu cầu cơ bản, thế là đủ. Năng lượng của chúng ta cần phải dành cho những việc hệ trọng và đúng đắn hơn.
Một ví dụ khác gây ám ảnh cho con người là dục tính trong suốt chiều dài lịch sử, Vatsyayana đưa nó thành kinh điển với "Kama Sutra", Hugh Hefner biến nó thành một đế chế với các ấn phẩm "Playboy" cho một xã hội Tây phương vội vã. Nhưng dù dục tính có cuồng nhiệt đến đâu chăng nữa, thì lạc thú ngắn ngủi từ dục tính cũng trở nên thô thiển và nhạt nhòa sau những thỏa mãn của thể xác.
️🍀 Nếu chúng ta hướng sự tìm kiếm ra bên ngoài, sau cùng sẽ chỉ mãi như thiêu thân bắt bóng, đó là cuộc truy đuổi vô tận không có hồi kết. Thậm chí điều đó đúng cho cả những niềm vui tinh thần, khi đôi nam nữ yêu nhau, hay niềm vui hạnh phúc khi cha mẹ chăm sóc con cái.
Tình yêu nam nữ với sự khao khát cháy bỏng sẽ nguội dần khi những hóc môn kích thích Testosterone, Serotonin của cơ thể giảm sút, và khi đối mặt với những áp lực của sự cam kết, của va chạm bản ngã khi cuộc sống hôn nhân đem lại. Và thậm chí ngay cả những vấn đề đó được giải quyết, trong một trường hợp thiểu số, hạnh phúc của tình yêu đôi lứa sẽ thử thách thực sự khi đối mặt với thời gian, với sự ra đi của một trong hai, vậy thì khi đó nỗi đau từ tình yêu nồng nàn đó còn đau đớn hơn gấp bội phần so với một tình yêu đã chết.
Một đứa trẻ cũng vậy, khi chào đời là một món quà của sự sống, ở đâu đó cảm thấy như là sự tái sinh lần nữa của người cha người mẹ. Và những tình yêu thương được trao đến chúng, với niềm vui lấp lánh trong đôi mắt và trái tim của họ. Thế nhưng, khi chứng kiến đứa trẻ lớn lên, từ ngày chập chững đến khi khôn lớn, người cha mẹ sẽ phải đối mặt với sự thật hiện hữu, càng kỳ vọng bao nhiêu sẽ càng thất vọng bấy nhiêu, càng cố gắng đưa chúng theo con đường của họ thì đứa con sẽ càng phản kháng. Ở giai đoạn dậy thì, chúng sẽ nổi loạn gây ra những mâu thuẫn rạn nứt sâu sắc, và sau đó kể cả khi trưởng thành khôn lớn, chúng lại có gia đình riêng cần quan tâm chăm sóc, khi ấy thay vì dành quá nhiều cho cha mẹ chúng sẽ tách biệt với họ, với nghĩa đen thực sự. Xin đừng hiểu nhầm, tôi khẳng định một đứa trẻ ra đời là món quà, tình yêu người cha mẹ cho con cái cũng là thiêng liêng, nhưng chỉ khi tình yêu đó không phải tình yêu của sự kỳ vọng mong đợi, nó phải là tình yêu vị tha thuần khiết, và không bám víu. Bởi người cha mẹ càng trông đợi, càng bám víu vào những đứa con và chính họ thì sớm muộn sẽ phải đau buồn trong mối quan hệ đó. Mối quan hệ đó phải được giải quyết bằng bên trong chứ không phải bên ngoài.
Chúng ta phải hiểu rằng, tất cả những bám víu vào bên ngoài, vào bất cứ ai, dù tích cực hay tiêu cực, dù vật chất hay tinh thần, sẽ không cứu rỗi được chính chúng ta, có thể hôm nay vui vẻ nhưng ngày hôm sau chúng ta lại chìm trong thất vọng bởi chính sự quá khứ vui vẻ đó, mọi thứ thật ngắn ngủi, và chúng ta sẽ mãi chìm trong đại dương của những nỗi buồn, những nỗi đau và chán chường không chỉ trong một kiếp sống, mà muôn ngàn kiếp.
️🍀 Khi hiểu được điều đó, chúng ta phải thay đổi con đường đi của cuộc đời. Hãy thay đổi, hãy tìm kiếm an lạc bằng cách hướng vào nội tại sâu bên trong bản thân, chứ không phải từ bên ngoài. Khi chúng ta nhìn sâu vào chính mình, chúng ta sẽ đi vào con đường của minh triết, chúng ta thiền định, và tìm ra gốc rễ xa xưa của chính mình, chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề và các mối quan hệ bởi đau khổ, phiền não được sinh ra từ chính chúng ta chứ không phải nơi nào khác, nó đến từ chính cách chúng ta đón nhận: “Hạnh phúc tại tâm”.
Ngài Osho từng nói, bạn hãy đặt câu hỏi "Tôi là ai?" và để tâm thức nguyên thủy tự trả lời. Chỉ khi nào chúng ta thấu hiểu bản chất bên trong chính mình, và cảm nhận sâu sắc những giá trị căn bản của tạo hóa, hiểu được cốt lõi sự sống và cái chết, niềm vui và nỗi buồn, nỗi đau và sung sướng, tham lam và rộng lượng, chấp nhận chúng một cách trọn vẹn trong sự trong suốt hiện hữu. Chấp nhận mọi thứ sinh diệt trong sự vĩnh hằng vốn có của tạo hóa, không bám víu vào điều gì, hay cái gì, để trở về cái "Không" nguyên bản của vũ trụ và hòa vào nó, thì chúng ta mới thực sự tìm thấy được sự an lạc vĩnh cửu từ sâu thẳm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét