LINH AN KHI DAO

Breaking

Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2020

CÁCH MẠNG GIẢI PHÓNG TRẺ EM P3- OHSO

11. Ngây thơ

Những đứa trẻ thì luôn rất ngây thơ nhưng sự ngây thơ ấy là tự nhiên chứ không phải do kiếm chác mà có được. Chúng ngốc nghếch nhưng sự ngốc nghếch ấy tốt hơn thứ được gọi là khôn ngoan do học tập. Bởi vì người học tập lý thuyết đơn giản chỉ là đang cố bao phủ sự ngốc nghếch của mình bằng các lớp kiến thức mà chỉ cần cào nhẹ một chút thôi bạn sẽ thấy bên trong đó không có gì ngoài bóng tối, không gì ngoài sự ngu ngốc.

Người ngây thơ vừa can đảm lại cũng vừa trong suốt. Không cần phải đi tìm lòng can đảm nếu bạn là người ngây thơ. Không có nhu cầu cho bất cứ sự làm sạch nào bởi vì không có gì trong trẻo hơn sự ngây thơ. Vậy nên toàn bộ vấn đề là làm sao để bảo vệ sự ngây thơ của một người, đặc biệt là một đứa trẻ. Sự ngây thơ không phải là thứ gì đó có thể đạt được. Nó cũng không phải là thứ có thể học được. Nó không phải một dạng tài năng như hội họa, âm nhạc, thơ ca, điêu khắc mà nó giống như hơi thở - thứ mà bạn sinh ra đã có rồi. Sự ngây thơ là tính tự nhiên của con người.

Không ai được sinh ra mà thiếu sự ngây thơ. Làm sao một người có thể sinh ra mà thiếu ngây thơ cho được? Sau khi sinh ra, bạn bước vào thế giới như là một trang giấy trắng, không có gì viết sẵn trên ấy. Bạn chỉ có tương lai, không quá khứ. Đó chính là ý nghĩa của sự ngây thơ. Vậy nên đầu tiên hãy cố hiểu ý nghĩa của sự ngây thơ.Điều đầu tiên là: không quá khứ, chỉ tương lai. Bạn đến thế giới này như một người quan sát chưa biết gì về thế giới, trong suốt.

Tôi đã xoay xở để giữ nguyên sự ngây thơ của mình trong suốt những năm tháng tuổi thơ. Vì luôn giữ được sự ngây thơ nên tôi cũng là người can đảm. Tôi đã không làm bất cứ gì cả. Nó cứ đơn giản xảy ra vậy nên tôi không thể thừa nhận là tôi đã cố gắng để giữ nó. Có lẽ nó xảy ra cho tất cả mọi người nhưng bởi vì bạn hứng thú với những thứ khác mà chẳng hề bận tâm tới chuyện phải giữ cho được sự can đảm ấy bởi vì nó là nguy hiểm - mọi người sẽ cản trở bạn nhiều nhất có thể. Bạn sẵn sàng mặc cả và hi sinh sự ngây thơ của mình để có được những thứ mà gia đình lẫn cuộc sống trao cho bạn. Thế giới có rất nhiều thứ để trao cho bạn, bạn chỉ có một thứ để trao đi và đó chính là tính chính trực, lòng tự trọng của bạn. Bạn không có nhiều, chỉ một thứ bạn có thể gọi nó là: sự ngây thơ, sự thông minh, tính đích thực nhưng chúng đều là một, là bản tính của bạn khi vừa được sinh ra.

Trẻ con theo cách tự nhiên rất hứng thú với mọi thứ mà nó thấy xung quanh. Nó không ngừng muốn cái này, cái nọ, đó chính là phần rất tự nhiên của con người. Nếu bạn quan sát một đứa trẻ nhỏ, thậm chí là một đứa bé sơ sinh, bạn có thể thấy nó bắt đầu dò dẫm tìm kiếm thứ gì đó, tay nó cố với cái gì đó. Nó đã bắt đầu cho hành trình riêng của mình.

Trong chuyến hành trình ấy nó sẽ đánh mất chính mình, bởi vì bạn không thể đạt được bất cứ gì trên thế giới này mà không phải trả thứ gì đó. Đứa trẻ tội nghiệp không thể hiểu những gì nó phải trả thì quá giá trị đến nỗi nếu toàn thế giới ở một bên thì tính bản thể nguyên vẹn lúc ban đấu ấy của nó ở một bên. Sự toàn vẹn ấy còn giá trị hơn, nặng kí hơn mọi thứ. Đứa trẻ không có cách nào để biết điều đó.

Nó đã thỏa hiệp, đã trao đổi cái “chính mình” thủa nguyên sơ ấy để lấy mọi thứ khác mà thế giới trao tặng: quyền lực, tình yêu, vật chất, đồ chơi, sự tôn trọng... để rồi hành trình cả đời sau này là phải tìm lại thứ mà nó đã trao đi - tìm lại chính mình - tìm lại sự ngây thơ, sự can đảm, sự trong trắng của mình khi vừa mới ra đời.

Tôi may mắn đã không đánh mất chính mình kể cả khi tôi còn rất nhỏ và đó là lý do tôi đã trở thành một đứa trẻ kì quái, nổi loạn, can đảm, nói chung là khác biệt - không chỉ với những đứa trẻ xung quanh mà còn với phần còn lại của cả thế giới.

Những gì mà bạn hay gọi là là sự ngây thơ thì thật ra chính là sự hoang dại. Những gì bạn thấy là thuần khiết thì cũng không là gì khác ngoài sự hoang dại. Bằng cách nào đó tôi đã tiếp tục giữ cho mình thoát khỏi sự kềm tỏa của nền văn minh. Và cứ tiếp tục như thế cho tới khi tôi đủ mạnh.

Đó là lý do tại sao mọi người lại cứ nói “Hãy uốn nắn đứa trẻ càng sớm càng tốt, đừng lãng phí thời gian bởi vì uốn nắn càng sớm thì càng dễ dàng. Một khi đứa trẻ đã đủ lớn thì việc uốn nắn chúng theo mong muốn của bạn sẽ rất khó khăn.”

Và cuộc sống có những chu kì bảy năm. Sau bảy năm đầu tiên của thời thơ ấu đứa trẻ sẽ hoàn toàn đủ mạnh: bây giờ bạn không thể làm gì được nữa. Bây giờ nó biết nơi nó phải đi, biết những gì nó phải làm. Nó có khả năng để tranh luận. Nó có khả năng để nhìn nhận những gì là đúng và sai. Sự thuần khiết của đứa trẻ đạt cực điểm ở độ tuổi lên bảy. Nếu bạn không quấy rầy chúng những năm đầu tiên này - sau bảy năm nhận thức của đứa trẻ sẽ trở nên rất rõ ràng - như pha lê: về mọi thứ mà cả đời nó sẽ sống, mà không có bất cứ sự nuối tiếc nào.

Tôi đã sống mà không có bất cứ sự nuối tiếc nào. Tôi đã cố để nhớ lại: Tôi đã từng làm điều gì sai chưa? Tôi không cần mọi người phải nghĩ những việc tôi đã làm là đúng, điều đó không thành vấn đề. Nhưng tôi không nghĩ ra bất cứ điều gì tôi đã làm là sai. Toàn bộ thế giới có thể nghĩ rằng nó sai, nhưng với tôi thì chúng hoàn toàn và chắc chắn là đúng - mọi việc tôi đã làm luôn là việc đúng đắn để làm. Vậy nên không có câu hỏi về việc nuối tiếc gì với quá khứ.

Khi bạn không có nuối tiếc về quá khứ bạn sẽ được tự do khỏi nó. Quá khứ giữ lấy bạn, làm cho bạn bị dính mắc vào chúng giống như một cái vòi bạch tuộc. Khi bạn cứ tiếp tục nghĩ về quá khứ với những câu hỏi: “Điều đó đáng lẽ tôi không nên làm” hay “Việc đó tôi có nên làm hay không làm”... Tất cả những câu hỏi này chỉ đang có đẩy bạn lùi lại về phía sau, đang kéo bạn lại, chúng không đẩy bạn lên phía trước một chút nào. Tại sao phải bận tâm những thứ đang cố kéo lùi bạn lại?Tôi không thấy bất cứ gì phía sau tôi; không quá khứ.

Nếu tôi nói gì đó về quá khứ của tôi; nó đơn giản là những kí ức thuần khiết; không có sự tham mưu của tâm trí. Tôi đang kể với bạn như thể tôi đang kể về câu chuyện của một ai đó khác. Thực tế là vậy. Không có gì để làm với tư cách cá nhân của tôi để can thiệp trong các câu chuyện ấy. Cứ dường như mọi thứ đã xảy ra với ai đó khác.

12. Tình trạng nô lệ của những đứa trẻ

Cha tôi nói: “Nếu con cứ như vậy, chúng ta sẽ ném con ra đường và không nuôi con nữa.”

Tôi nói: “Không cần phải ném, con có thể tự đi. Nếu như cha mẹ không nuôi con nữa, con có thể đi ăn xin. Cha có thể cấm con vào nhà nhưng cha không thể cấm con đi ăn xin được đâu vì ăn xin là quyền cơ bản của mỗi con người. Nhưng cha nên suy nghĩ kĩ về việc này, bởi vì một khi con đã đi, con sẽ không bao giờ trở lại. Cha có muốn như thế không?”

Cha mẹ luôn lo lắng bất cứ khi nào đứa trẻ biến mất khỏi tầm mắt hoặc ở một mình. Họ trở nên điên cuồng. Họ sợ, bởi vì nếu đứa trẻ một mình nó sẽ bắt đầu phát triển cá tính của nó. Nó phải luôn ở trong một giới hạn để cha mẹ có thể quan sát bởi vì sự quan sát đó mà cá tính của đứa trẻ không có cơ hội phát triển, sự quan sát của họ bao phủ lấy đứa trẻ, xiết chặt lấy cá tính của nó, bọc đứa trẻ trong thứ gọi là nhân cách.

Nhân cách không là gì khác nhưng là sự bao phủ, lớp vỏ bọc. Nó đến từ một từ rất đẹp, persona, persona nghĩa là một cái mặt nạ. Trong các vở kịch Hi Lạp cổ các diễn viên thường phải đeo mặt nạ. Sona nghĩa là âm thanh, per nghĩa là thông qua. Họ thường nói thông qua lớp mặt nạ, bạn sẽ không thể thấy gương mặt thật của họ, bạn chỉ có thể nghe giọng của họ mà thôi. Vì vậy mặt nạ được gọi là persona bởi vì âm thanh được nghe thông qua nó, từ nhân cách, tính cách - personality bắt nguồn từ đó.

Đứa trẻ cứ tiếp tục “bị” bảo vệ, bị canh chừng bởi cha mẹ. Bạn có thể thấy chính mình trong tình huống ấy: khi bạn ở trong nhà tắm một mình, bạn trở thành người khác hoàn toàn. Trong nhà tắm bạn có thể bỏ qua một bên cái mặt nạ của bạn, thậm chí những người trưởng thành, những người nghiêm túc nhất cũng bắt đầu hát, nhảy múa. Thậm chí người nghiêm túc cũng bắt đầu làm những gương mặt kì cục trước tắm gương khi họ một mình. Bạn được riêng tư, bạn nhận thức được rằng mình đã đóng cánh cửa - nhưng nếu như bạn đột nhiên nhận ra ai đó đang nhìn bạn thông quá cái lỗ khóa, một cách lập tức bạn thay đổi thái độ. Bạn sẽ lại trở thành người nghiêm túc, bài hát biến mất, điệu nhảy biến mất, những gương mặt ki cục trong gương biến mất, bạn bắt đầu trở lại với sự nghiêm túc mà mọi người kì vọng. Đây chính là nhân cách - bạn trở lại với gương mặt bị bao phủ - lớp mặt nạ.

Một đứa trẻ cần sự riêng tư to lớn, nhiều nhất có thể, thì nó mới có thể phát triển cá tính của nó mà không bị can thiệp. Nhưng chúng ta cứ mãi xâm phạm vào quyền riêng tư ấy của chúng. Cha mẹ luôn hỏi “Con đang làm gì vậy? Con đang nghĩ gì vậy?” - thậm chí cả việc nghĩ. Họ thậm chỉ muốn nhìn vào trong tận suy nghĩ của bạn.

Có một vài bộ lạc ở miền Viễn Đông nơi mà mỗi đứa trẻ phải kể lại giấc mơ của nó mỗi buổi sáng cho cha mẹ, bởi vì thậm chí trong giấc mơ nó cũng không thể được một mình. Nó có thể mơ một giấc-mơ-sai, nó có thể nghĩ về điều mà nó không nên nghĩ. Cha mẹ phải được báo cáo về mọi thứ, kể cả giấc mơ. Nghi thức mỗi sáng, thậm chí trước cả bữa sáng nó phải kể lại giấc mơ của mình, những gì nó thấy trong đêm, trong giấc ngủ.

Phân tâm học được phát triển khá trễ ở phương Tây nhưng ở phương Đông, trong những bộ lạc ở Viễn Đông, phân tâm học đã được thực hành bởi những người cha mẹ trong hàng ngàn năm rồi. Tất nhiên những đứa trẻ tội nghiệp ấy không biết gì về các biểu tượng cả vậy nên nó đơn giản thuật lại những giấc mơ một cách hồn nhiên. Nó không biết chúng có nghĩa gì, chỉ cha mẹ biết mà thôi. Nhưng điều này quả thật đi quá xa, nó xâm phạm đến tự do của đứa trẻ, nó là phi nhân tính, nó là sự xâm lược vào trong không gian hợp pháp của người khác.

Chỉ bởi vì đứa trẻ bị phụ thuộc vào bạn với đồ ăn uống, quần áo, nơi ở... nên bạn nghĩ bạn có quyền để xâm lấn quyền riêng tư của nó sao? Một đứa trẻ cần sự riêng tư, cha mẹ nên là những người ở đó để giúp đỡ nó, hỗ trợ nó, chứ không phải là quấy rầy nó. Nó nên được cho phép để làm mọi thứ hay không làm mọi thứ. Cha mẹ chỉ nên có trách nhiệm về việc nhận thức để nó không làm việc gì có hại cho nó hay cho những người khác - thế là đủ. Nhiều hơn thế sẽ là xấu xí.

Những đứa trẻ rất thích được ở một mình, vì điều ấy là cấn thiết cho sự trưởng thành của nó. Vâng, cha mẹ phải trở nên cảnh giác, thận trọng để không điều hại gì xảy ra cho đứa trẻ nhưng sự đây là một sự cảnh giác cần được hiểu rõ: cảnh giác nhưng vô-cảnh-giác, đừng tạo ra các khả năng để quấy rầy đứa trẻ. Nhưng hãy tạo cho chúng niêm khao khát mãnh liệt để tìm kiếm những gì là sự thật, đừng cho chúng những ý thức hệ mà bạn đã mặc định trong đầu bạn nhưng hãy cho chúng những ý tưởng về sự thật. Người ta không nên dạy cho bọn trẻ về sự thật, chỉ nên dạy cho chúng làm cách nào để tìm kiếm sự thật. Việc tìm hiểu, tìm kiếm nên được dạy, sự dò xét nên được dạy, việc khám phá nên được dạy. Đứa trẻ nên được giúp đỡ để chúng có thể hỏi những câu hỏi, và cha mẹ không nên trả lời những câu hỏi ấy trừ khi họ thật sự biết. Thậm chí nếu họ biết họ nên nói như cách Phật thường nói cho các đệ tử của ông ấy: “Đừng tin những gì ta nói. Đây là kinh nghiệm của ta, nhưng khoảnh khắc ta nói nó cho các ông, nó trở nên sai bởi vì các ông chưa trải qua nó. Hãy lắng nghe ta nhưng đừng tin. Hãy thực nghiệm, tìm hiểu, tìm kiếm, trừ khi các ông tự mình biết, kiến thức của các ông không nên truyền cho ai, nó là nguy hiểm. Kiến thức mà bị vay mượn là thứ rất gây cản trở.

Nhưng đó là những gì mà các cha mẹ vẫn cứ tiếp tục, làm, họ tiếp tục “cài đặt” cho bọn trẻ.

Bọn trẻ không nên được cài đặt gì cả, những chương trình ý thức hệ, chúng không cần những định hướng của bạn. Chúng cần được giúp đỡ để trở thành chính mình, chúng phải được hỗ trợ, cấp dưỡng, tăng cường. Một người cha thật sự, một người mẹ thật sự sẽ chúc lành cho đứa trẻ được trở thành chính nó. Đứa trẻ sẽ cảm thấy được giúp đỡ bởi điều đó đến nỗi nó trở nên bắt rễ sâu trong tính tự nhiên của nó; bắt rễ vào cái nền tảng của chính nó, trung tâm bản thể của nó và rói nó sẽ bắt đầu yêu mến chính mình hơn là cảm giác có lỗi, chính nhờ đó nó sẽ tôn trọng chính mình hơn.

Hãy nhớ, trừ khi một người yêu mến chính mình, anh ta không thể nào yêu mến bất cứ ai khác trên thế giới này được; trừ khi một người tôn trọng chính mình, anh ta không thể tôn trọng bất cứ ai khác được. Đó là lý do tại sao tất cả tình yêu của bạn là giả, không có thật và tất cả sự tôn trọng của bạn cũng là ngụy mạo, giả tạo. Bạn không tôn trọng chính mình, làm sao bạn có thể tôn trọng người khác được? Trừ khi tình yêu cho chính bạn được sinh ra bên trong bản thể của bạn, nó sẽ không thể nào tỏa ra đến người khác. Đầu tiên bạn phải trở thành một đóm sáng bên trong chính mình, sau đó đốm sáng của bạn mới có thể tỏa ra, mới có thể vươn tới, chạm tới người khác.

Trẻ em rất thông minh; hoàn toàn thông minh, chúng chỉ cần một cơ hội để thể hiện sự thông minh ấy. Chúng cần cơ hội để được lớn lên, trong môi trường thích hợp. Mọi đứa trẻ được sinh ra với tiềm năng của sự giác ngộ, với tiềm năng để trở nên thức tỉnh, nhưng chúng ta đang phá hủy nó. Đây là tai họa lớn nhất trong toàn bộ lịch sử loài người. Không có sự nô lệ nào khác tồi tệ hơn sự nô lệ của một đứa trẻ. Cũng như không có sự nô lệ hóa nào lấy đi nhiều tinh chất của loài người nhiều như là sự nô lệ những đứa trẻ đang phải chịu đựng. Đây trở thành một nhiệm vụ quan trọng nhất của cả nhân loại rằng làm sao để thoát khỏi nó. Trừ khi chúng ta sắp xếp lại toàn bộ xã hội này theo cách khác hoàn toàn, trừ khi một sự thay đổi về tận căn nguyên gốc rễ được xảy ra và gia đình biến mất nhường chỗ cho những công xã, nếu không thì ý tưởng đó sẽ trở thành bất khả.

Một khi cái hình mẫu về gia đình biến mất đi và một xã hội đa chiều hướng được thiết lập, nhân loại có thể được tái sinh một lần nữa. Một loại con người mới đang được cần và những con người mới sẽ mang thiên đường trong quá khứ trở lại với thực tại này. Thiên đường chính là ở đây-bây giờ, nhưng chúng ta phải mang những đứa trẻ mới đến đây trước đã.
 
13. Đừng nghiêm chỉnh, hãy vui đùa

Cha mẹ rất sợ mỗi khi có khách tới nhà chơi bởi vì tôi thường quấy rầy những buổi nói chuyện vô nghĩa của họ. Khi họ đang nói về thời tiết, tôi sẽ nói: “Thời tiết là thứ ai cũng biết, chẳng ai thay đổi được nó và nó cũng chẳng thay đổi cuộc sống của mọi người chút nào. Vậy nói về nó để làm gì?”

Thế rỗi tôi sẽ nhảy múa giữa bọn họ và họ sẽ bảo tôi ra ngoài mà nhảy, tôi nói: “Con biết chính xác chỗ nào mình nên nhảy. Nếu con muốn nhảy múa ở ngoài sân, thì con tự biết ra sân rồi. Luật thì không cấm người ta không được nhảy ở đâu, cho nên nếu mọi người muốn nói chuyện, hay là mọi người có thể ra sân mà nói chuyện. Còn không thì hãy nhảy múa cùng con còn ý nghĩa hơn những câu chuyện mà mọi người đang nói.”

Không ai cho phép con của họ nhảy múa hát ca hay la hét nhảy nhót một cách tự do. Vì nhiều lý do, đôi khi vì cha mẹ sợ con cái bị ướt quần áo, bị bẩn, bị đau khi chơi đùa - vì những lý do nhỏ như vậy đấy mà chúng bị ngăn cấm hoàn toàn khỏi những việc chúng muốn làm: tắm mưa, nghịch bùn, thả diều, tắm suối... Vì những lý do đó mà chất lượng của những tâm hồn, sự tinh nghịch vui đùa, khả năng vui chơi và hòa nhập với thiên nhiên cuộc sống hoàn toàn bị phá hủy.Những đứa trẻ vâng lời được cha mẹ thầy cô được mọi người yêu quý còn những đứa trẻ ham vui tinh nghịch thì thường bị trừng phạt. Sự ham vui của chúng có thể hoàn toàn vô hại nhưng nó vẫn bị trừng phạt bởi vì sâu bên trong sự vui chơi ấy ẩn chứa tiềm tàng về một hạt mầm nguy hiểm của sự nổi loạn. Nếu một đứa trẻ được lớn lên với toàn bộ tự do được vui chơi; nghịch ngợm theo ý muốn, nó sẽ sớm trở thành một người nổi loạn. Nó sẽ không dễ dàng trở thành một nô lệ theo ý người khác. Nó sẽ không dễ dàng tham gia bất cứ đội quân nào để làm hại người khác hay để cho ai làm hại chính nó.

Một đứa trẻ nổi loạn sẽ sớm trở thành một tuổi trẻ nổi loạn. Vậy thì bạn sẽ không thể bắt ép nó kết hôn, kiếm việc hay làm bất cứ gì chỉ để lấp đầy cái mong muốn vô đáy của bạn - với tư cách là cha mẹ. Tuổi trẻ nổi loạn sẽ đi theo hướng đi riêng của nó. Nó sẽ sống cuộc sống tuân theo những mong muốn từ tận đáy lòng nó, không theo ý tưởng của bất cứ ai cả.

Vì những lý do như vậy mà sự nghịch ngợm phải bị kiềm chế, bị đè bẹp ngay từ lúc ban đầu. Những bản tính tự nhiên của đứa trẻ bên trong bạn sẽ không bao giờ được cho phép để cất lên tiếng nói. Từ từ một cách chậm rãi bạn bắt đầu mang theo một đứa trẻ “chết” bên trong chính bạn. Đứa trẻ chết này từ sâu bên trong sẽ dần phá hủy sự hài hước của bạn: bạn không thể cười với toàn bộ trái tim mình, bạn không thể chơi đùa, không thể tận hưởng những điều nhỏ bé của cuộc sống. Bạn trở nên quá nghiêm trọng đến nỗi cuộc đời bạn, khả năng phát triển của bạn càng ngày càng bị rút vào, co quắt lại.

Cuộc sống nên là những hoạt động sáng tạo trong từng giây phút quý giá theo mọi cách có thể. Đặc biệt với những đứa trẻ, hãy để cho chúng được vui đùa, được sáng tạo. Những gì chúng tạo ra không quan trọng - đôi khi chỉ là những bức tượng hay lâu đài bằng cát chẳng ra hình thù gì trên bờ biển - nhưng tất cả đều rất đáng giá bởi vì chúng xuất phát từ một tâm hồn tự do và tinh thần vui chơi. Thế rồi dần dà chúng sẽ có cơ hội và biết cách để kiến tạo nên một cuộc đời đầy ắp niềm vui.

Vui đùa là một trong những phần bị kìm nén nhất của con người. Mọi xã hội, văn hóa, văn minh đều đã từng chống lại vui đùa bởi vì người vui đùa không bao giờ nghiêm chỉnh. Và chừng nào một người còn chưa nghiêm chỉnh thì người đó không thể bị chi phối, không thể bị ấn định những tham vọng, ham muốn quyền lực, danh vọng, tiền bạc.

Đứa trẻ chưa bao giờ chết trong bất cứ ai. Không phải là đứa trẻ chết khi bạn lớn lên, đứa trẻ vẫn còn đấy. Mọi thứ bạn đã từng là vẫn ở bên trong bạn, và sẽ còn bên trong bạn cho tới chính hơi thở cuối cùng của bạn.

Người vui vẻ sẽ thích tận hưởng cuộc sống này, sự tồn tại này hơn là đi tranh đấu cho tiền bạc, quyền lực. Vui vẻ không đáp ứng cho nhu cầu của bản ngã và toàn thế giới hiện tại vẫn đang quay tròn quanh ý tưởng của bản ngã, làm mạnh bản ngã. Vui đùa chống lại bản ngã của bạn. Bạn có thể thử mà xem. Cứ chơi với trẻ con và bạn sẽ thấy bản ngã của mình biến mất, bạn sẽ thấy rằng bạn đã trở thành đứa trẻ lần nữa. Điều đó không chỉ đúng với bạn, nó đúng cho mọi người khác nữa.

Bởi vì đứa trẻ bên trong bạn từng bị kìm nén nên tới lượt mình, bạn cũng sẽ kìm nén con bạn. Không ai cho phép con họ múa hát hay la hét hay nhảy nhót. Bởi những lý do tầm thường như là chúng có thể làm vỡ cái gì đó hay quần áo có thể bị ướt nếu chúng chạy ra ngoài trời mưa. Vì những điều bé nhỏ như vậy mà toàn thể vui đùa, chất tâm linh lớn nhất bị phá hủy.

Đứa trẻ vâng lời được khen thưởng, đứa trẻ vui đùa bị kết án. Vui đùa của nó là vô hại nhưng nó bị kết án bởi vì có tính nguy hiểm bên trong, vui đùa có thể dẫn tới những nổi dậy tiềm năng. Nếu một đứa trẻ lớn lên với tự do đầy đủ để vui đùa, nó sẽ biến thành người nổi dậy. Nó sẽ không dễ dàng thành nô lệ.

Nhưng bạn thì sao, bạn mang theo đứa trẻ chết bên trong bản thân mình. Đứa trẻ chết bên trong này sẽ phá hủy mọi khả năng khôi hài của bạn. Bạn không thể cười với toàn bộ trái tim mình, bạn không thể chơi, bạn không thể tận hưởng những điều nhỏ bé của cuộc sống. Bạn trở nên nghiêm chỉnh tới mức cuộc sống của bạn thay vì mở rộng ra, lại bắt đầu co vào.

Tôi bao giờ cũng tự hỏi tại sao Kito giáo lại trở thành tôn giáo lớn nhất thế giới. Tôi đã đi tới kết luận rằng tại vi hình ảnh cây thập tự và Jesus bị đóng đinh trên đó, hình ảnh đó quá buồn, quá nghiêm chỉnh đến mức nó lan rộng hơn bất kì cái gì khác. Hàng triệu người đã thấy điều tương tự để giữ bản thân họ và Jesus kiểu như một điểm tương đồng. Không dễ dàng để lan truyền niềm vui hay cái không nghiêm chỉnh nhưng cái nghiêm chỉnh thì dễ xoay xở hơn nhiều. Người ta có thể ép nhau nghiêm chỉnh; không thể ép nhau không nghiêm chỉnh được. Vui đùa là phẩm chất tự nhiên, nghiêm chỉnh là thứ bị ép buộc, bị cấy vào bạn, bị cài đặt vào bạn.

Tôi muốn các nhà thờ và đền chùa của chúng ta, các nhà thờ Hồi giáo, các giáo đường Do Thái giáo trở nên càng ít nghiêm chỉnh càng tốt, nhiều vui đùa hơn, nhiều tiếng cười hơn và nhiều vui vẻ hơn. Điều đó sẽ mang nhân loại tới linh hồn lành mạnh, toàn thể, được tích hợp hơn. Bạn không cần vác thập tự trên vai mình, vứt cây thập tự đi. Tôi dạy bạn nhảy múa, hát ca, chơi đùa.

Khi còn nhỏ, tôi đã nói với vị linh mục Kito giáo rằng: “Một ngàn lần cháu không muốn bị giống như Jesus, ông ấy trông đau đớn thế, nhăn nhó thế, ai mà muốn trở nên giống như ông ấy cơ chứ?” rồi “Tại sao bác (vị linh mục) cứ phải nghiêm trang quá thể, tại sao cứ đứng đó mà nói trong hàng giờ, nói một chiều không ai được phản bác, nói những điều lặp đi lặp lại. Tại sao bác không lại đây và chúng ta đơn giản trò chuyện thân tình với nhau, khi mà cả nhà thờ chỉ có bác và cháu? Không cần phải nghiêm chỉnh như thế đâu.”

Với Hindu, tôi cũng đã thử thay đổi cách tiếp cận. Tôi kêu gọi những người diễn vở kịch Rama hàng năm hãy nói những câu khác vui nhộn hơn và họ đã nghe tôi, họ đã đổi lời thoại. Chỉ một vài câu thôi nhưng cũng khiến cho tất cả mọi người hôm ấy phải nhớ đến nó, mãi mãi. Tôn giáo hoàn toàn thiếu đi niềm vui và chỉ niềm vui mới xứng đáng được lan truyền.

Cuộc sống phải là sáng tạo quý giá; từng khoảnh khắc. Điều bạn sáng tạo không thành vấn đề, nó có thể chỉ là lâu đài trên cát và sẽ bị sóng cuốn đi, nhưng không sao, mọi sản phẩm sáng tạo bắt nguồn từ vui đùa, vui vẻ của bạn đều đáng quý, đều thiêng liêng cả.

Đừng bao giờ lãng quên đứa trẻ trong bạn, đừng để cho nó chết dần chết mòn. Hãy nuôi dưỡng nó và đừng sợ rằng nó sẽ ra ngoài kiểm soát. Nó có thể đi đâu? Và cho dù nó ra ngoài kiểm soát, thì đã sao? Bạn có thể làm gì ngoài kiểm soát? Bạn có thể múa như người điên, cười như người điên, nhảy nhót hay làm bất cứ gì, mọi người có thể nghĩ bạn điên nhưng đó là vấn đề của họ. Nếu bạn thích thú điều đó, nếu cuộc sống của bạn được nó nuôi dưỡng, thế thì chẳng thành vấn đề, cho dù nó trở thành vấn để của toàn thế giới chăng nữa, cũng đừng lo.

Hãy cho phép bản thân bạn vui đùa một cách toàn bộ, một khi đứa trẻ trong bạn sống lại, nó sẽ thay đổi toàn bộ hương vị cuộc sống của bạn. Nó sẽ cho bạn khả năng khôi hài, tiếng cười vui nhộn và nó sẽ phá hủy sự nghiêm chỉnh xấu xí của bạn. Nó sẽ làm cho bạn thành con người của trái tim. Người sống trong cái đầu không phải đang sống đâu, chỉ người sống trong tim mới thực là sống. Ca hát, nhảy múa, khôi hài... những điều này sẽ làm cho bạn sống động hơn, nó sẽ cho bạn cơ hội để nếm trải toàn bộ ý nghĩa cuộc sống. Người nghiêm chỉnh chết trước cái chết của mình. Họ chỉ duy trì cái xác biết đi, khi không còn tiếng cười.

Khi còn sống, hãy sống. Lúc chết đi thì chết thôi. Đừng trộn lẫn bằng không bạn sẽ bỏ lỡ cả hai. Ngay bây giờ, sống toàn bộ và mãnh liệt vào để khi bạn chết thì chết một cách toàn bộ. Đừng chết bộ phận kiểu một mắt chết nhưng một mắt vẫn mở nhìn xung quanh tiếc nuối, một tay chết còn tay kia vẫn cứ cố kiếm tìm. Khi chết, hãy chết toàn bộ. Nhưng bây giờ, đừng phí thời gian vào suy tư những thứ xa xăm, sống khoảnh khắc này đi. Đứa trẻ biết cách sống mãnh liệt và toàn bộ nên nhìn xem: chúng không bao giờ sợ chết.

Khi vui đùa, thông minh của bạn cũng trở nên sắc bén hơn, bạn trở nên trẻ trung hơn, tình yêu của bạn cũng trở nên sâu sắc hơn. Và rồi khi bạn đi vào thế giới, bất kì chỗ nào bạn đi, cứ lan tỏa cuộc sống, vui đùa, vui vẻ nhất có thể được - với mọi ngõ ngách và xó xỉnh của thế gian này.

Nếu toàn thế giới bắt đầu cười và thích thú và vui đùa, sẽ có cuộc cách mạng lớn. Chiến tranh được những người nghiêm chỉnh tạo ra, sát nhân cũng là những người nghiêm chỉnh tạo ra, tự tử cũng vậy. Nhà thương điên đầy rẫy những người nghiêm chỉnh, họ trông có vẻ vui nhưng cái vui của họ bị sai cách, cái vui ấy tạo ra do sự nghiêm chỉnh quá mức trước đó của họ. Cứ quan sát những con người nghiêm chỉnh đã làm hại nhân loại thế nào và bạn sẽ nhảy ra khỏi tính nghiêm chỉnh ấy của mình càng sớm càng tốt. Càng ít nghiêm chỉnh, bạn càng trẻ con nhưng tính trẻ con này là thứ thiêng liêng, nó là thứ Jesus đã nói Ai không trở lại thành trẻ con, sẽ không vào được nước trời”. Hãy để cho đứa trẻ trong bạn sống lại, nó đang chờ đợi khắc khoải bên trong.

Phật giáo cũng không khá hơn Kito giáo là mấy, nó phá hủy mọi sự vui đùa và đó là chỗ nó bị khiếm khuyết. Phật từng là người nghiêm chỉnh, ông ấy chống lại mọi vui đùa, mọi nghệ thuật, mọi ca múa vì ông ấy đã chán ngấy với nó. Nhưng những người khác thì sao? Họ chưa có cơ hội được chán ngấy với những thứ đó nhưng giờ đây họ vẫn phải cắt những thứ đó đi, họ phải tuyệt đối nghiêm chỉnh. Tôi có thể không quan tâm Kito giáo hay Phật giáo nhưng tôi quan tâm chân lý. Nếu chân lý không biết cách nhảy múa, nó bị què. Nếu một vị Phật không thể trộn lẫn mình với trẻ con và không thể chơi cùng chúng, ông ấy đã bị đóng với Phật tính, vẫn chưa thức tỉnh toàn bộ. Cái gì đó vẫn còn ngủ.

Cho nên bạn, hãy trở nên vui đùa và sau đó, hãy cho phép con cái bạn được quyền vui đùa nữa. Vui đùa là phúc lành!

Trẻ con: Ước mơ hay nỗi ám ảnh của người lớn

Những kinh nghiệm thời trẻ con luôn là thứ ám ảnh cả đời người trưởng thành khiến cho ai cũng muốn trải qua nó thêm lần nữa - cái cảm giác của sự ngây thơ, sự ngạc nhiên lớn lao trước những thứ bình dị của cuộc đời, một cảm nhận trong veo thuần khiết về cái đẹp. Những cảm giác ấy về cuộc sống giờ đây sao mù mờ xa xôi quá khiến bạn cảm thấy như chúng chỉ tồn tại trong mơ.

Những đứa trẻ có một thực tại riêng, chúng sống trong một thế giới riêng mà bạn không thể can thiệp được. Đôi khi chỉ một bông hoa, một ánh cầu vồng; một giọt sương trên lá... những thứ nhỏ bé thế cũng có thể trở nên xinh đẹp đến mức diệu kì trong thế giới trẻ thơ. Trẻ con có một trí thông minh; sự nhạy cảm, tính sáng tạo mà người lớn khó lòng bì kịp dù cho có cố gắng cỡ nào. Với những khả năng đặc biệt ấy, bọn trẻ cảm thụ thiên nhiên và cuộc sống một cách ngây thơ; háo hức, đầy trân trọng và yêu thương. Sau đó thì với sự hỗ trợ của giáo dục, văn hóa, tôn giáo, khi những đứa trẻ càng trưởng thành thì chúng càng mất dần đi những khả năng đặc biệt này cùng với sự háo hức với cuộc đời. Giảm là còn tốt; chuyện thường xảy ra là khả năng ấy bị mất hẳn luôn.

Không phải một cách ngẫu nhiên mà người lớn - cả đời họ dường như là cố gắng không ngừng để được quay trở lại thời trẻ thơ một lần nữa. Tất nhiên cơ thể họ không thể nhỏ lại như đứa trẻ nhưng nhận thức thì hoàn toàn có thể trở nên ngây thơ; trong veo một lần nữa như hồi họ còn là trẻ thơ. Đó là bí mật chung của mọi thuyết tâm linh huyền bí: tất cả đều mong muốn đưa bạn trở về trạng thái đứa trẻ một lần nữa, cùng sự ngây thơ, tinh khiết; chưa bị biến đổi bởi bất cứ kiến thức nào, bất cứ hiểu biết nào - mặc dù vẫn nhận thức về mọi thứ xung quanh - với một sự ngạc nhiên sâu sắc và một giác quan về thứ bí ẩn không thể giải thích của cuộc sống.
 
14. Đừng chỉ yêu thương, hãy tôn trọng nữa

Tôi nói với mọi người trong nhà: “Con không nghi ngờ gì tình cảm của mọi người dành cho con, con cũng mong mọi người không nghi ngờ gì tình cảm của con dành cho mọi người. Nhưng xin hãy làm cho mọi thứ rõ ràng, tình cảm là một chuyện nhưng tôn trọng là chuyện khác. Mọi người có thể yêu thương con nhưng xin cũng tôn trọng con và quyền quyết định của con. Con tôn trọng mọi người nhưng không có nghĩa con sẽ nghe lời mọi người trong mọi sự đâu. Xin mọi người hãy cho con quyền được từ chối làm những điều con không muốn, bởi vì nếu như con chỉ vâng lời một cách mù quáng, con khác gì kẻ nô lệ? Mà con thì không phải nô lệ của mọi người, cho nên xin hãy chấp nhận khi con nói “Không” với mọi người.”

Từng đứa trẻ đều chọn chống lại cha mẹ nó. Đó là cách duy nhất để nó đạt tới bản ngã của nó. Đó là cách duy nhất để nó cảm tháy rằng nó đang tồn tại. Nếu như đứa trẻ cứ nói “Có” nói “Vâng” với cha mẹ, với tất cả mọi người và không bao giờ nói “Không”. Thế thì đứa trẻ sẽ không cảm nhận được sự tồn tại của nó chút nào, không linh hồn, không bản tính, chỉ như một robot bị lập trình, một cái máy, một sự kéo dài của cha mẹ. Điều ấy gây tổn thương, điều đó làm mất mặt. Để chứng minh mình hiện hữu, mình có tiếng nói, đứa trẻ sẽ bắt đầu nói “Không”, nó nói “Không” ngày càng nhiều hơn, thậm chí nói "không" với cả điều chúng muốn. Bởi vì đấy là cách duy nhất để nó thấy mình hiện hữu. Từng khoảnh khắc trong cuộc sống, con người nói chung và trẻ em nói riêng đều phải vật lộn với ý tưởng rằng mình hiện hữu hay không hiện hữu, làm sao để chứng minh mình hiện hữu? Việc nói “không” cho bọn trẻ sức mạnh bản ngã và chúng thấy mình hiện hữu. Cho nên đứa trẻ phải nói không, nó không có nghĩa là hư đâu, nó đơn thuần nghĩa là nổi dậy, đi lạc, đi ngược đường... để định nghĩa và tìm ra chính nó.

Hãy tôn trọng đứa trẻ, làm cho nó không bị sợ hãi bởi bất cứ gì. Nhưng nếu chính bạn cũng đang sống ngập trong sợ hãi, làm sao bạn có thể giúp cho đứa trẻ trở nên không sợ hãi?

Đừng ép buộc chúng phải tôn trọng bạn chỉ bởi vì bạn là cha, là mẹ, là cái này hay cái nọ. Hãy thay đổi thái độ ấy và quan sát một sự chuyển biến lớn lao đến cho con của bạn. Chúng sẽ lắng nghe bạn chăm chú hơn nếu bạn tôn trọng chúng. Chúng sẽ cố gắng để hiểu bạn một cách cẩn thận hơn nếu bạn tôn trọng chúng. Điều ấy là tất nhiên thôi. Không có cách nào để bạn áp đặt lên chúng nữa đâu. Nếu bằng sự hiểu biết của mình, chúng cảm thấy bạn đúng thế thì chúng sẽ theo bạn, chúng sẽ không đánh mất bản thể tinh nguyên của mình - tất cả nhờ sự tôn trọng bạn dành cho chúng.

Tình yêu và sự tôn trọng là hai thứ sẽ giúp bọn trẻ trở nên hiểu biết hơn về thế giới, giúp chúng trở nên tỉnh thức hơn, tỉnh táo hơn, thận trọng hơn bởi vì cuộc sống là quý giá thế, nó là món quà của sự tồn tại. Chúng ta không nên lãng phí nó. Ngay khoảnh khắc cận kề cái chết điều chúng ta nên nói là chúng ta đã để lại một thế giới tốt hơn, đẹp hơn, tuyệt vời hơn.

Nhưng điều này là có thể chỉ khi chúng ta rời thế giới với những bản thể nguyên sơ, cùng một bản thể, một gương mặt mà chúng ta có ngay lúc lọt lòng.

Theo tôi, bạn có thể làm chỉ một thứ với con của bạn, đó là chia sẻ cuộc sống của chính bạn. Nói với chúng rằng bạn đã bị áp đặt bởi cha mẹ của bạn, bạn đang phải sống trong những giới hạn của các khuôn mẫu bị áp đặt đó và vì vậy bạn đã bỏ lỡ nhiều thứ trong đời, và bạn không muốn phá hủy cuộc sống của con bạn theo cùng cách như vậy. Bạn muốn chúng được hoàn toàn tự do - tự do khỏi bạn, bởi vì bạn không là gì khác hơn ngoài đại diện cho toàn bộ quá khứ nặng nề.

Để nói ra những điều ấy cần một sự can đảm và một tình yêu sâu sắc trong mỗi người làm cha mẹ “Con cần được tự do khỏi chúng ta. Đừng nghe lời chúng ta. Hãy phụ thuộc vào trí thông minh của riêng con. Thậm chí nếu con đi lạc đường thì cũng vẫn tốt hơn là cứ ở mãi một chỗ của nô lệ hay là cứ mãi đúng đường. Sẽ tốt thôi nếu con phạm một vài lỗi lầm bằng chính cách của mình và học từ nó, tốt hơn nhiều so với đi theo ai đó khác hoặc không phạm lỗi lầm gì. Việc đi theo sẽ không khiến con học được gì cả, nó là chất độc.”

Nó sẽ rất dễ nếu bạn có đủ yêu thương. Đừng hỏi “bằng cách nào” bởi vì “bằng cách nào” nghĩa là bạn đang hỏi về một phương pháp, một giải pháp, một kĩ thuật - và tình yêu thương thì không phải kĩ thuật hay phương pháp gì cả.

Hãy yêu thương con cái của bạn, thưởng thức sự tự do của chúng. Để chúng phạm lỗi lầm, giúp chúng thấy được lỗi nằm ở đâu. Bảo chúng: “Phạm lỗi không có gì là sai cả. Hãy phạm lỗi càng nhiều càng tốt, bởi vì đó là cách duy nhất để con có thể học. Nhưng đừng phạm cùng một lỗi hết lấn này đến lần khác, bởi vì điều đó làm cho con trở nên ngu ngốc.” Bạn sẽ phải tìm ra cách làm sao để sống với con bạn từng khoảnh khắc, cho phép chúng trong mọi loại tự do có thể để làm những điều chúng muốn, dù nhỏ nhặt.
 
15. Trẻ em không phải thú nuôi

Bởi vì tôi không thích đi học, lại trốn học nhiều nhất có thể nên cả gia đình đã phải phân công; thay phiên nhau đưa tôi đến trường; tận cửa lớp, cho đến khi một giáo viên ra nhận và dẫn tôi vào. Họ làm mọi thứ để tôi không trốn học. Tôi bảo với họ: “Đây là giáo dục sao? Giáo dục là biến con người thành một tù nhân như vậy sao? Con là một con người hay con chỉ là một con vật nuôi của mọi người? Con thậm chí còn không được quyền quyết định rằng mình có muốn đi học hay không. Nếu như giáo dục là biến con người thành thú nuôi; thành nô lệ như vậy, giáo dục để làm gì?”

Và khi tôi ngồi trong lớp, chăm chú nhìn ra ngoài cửa sổ; tôi thấy hàng trăm những chú vẹt nhảy nhót nô đùa trên cành cây, chúng thật hạnh phúc làm sao khi không phải đi học. Tôi còn không được tự do bằng chúng. Con người còn không được tự do bằng động vật sao?

Những đứa trẻ rất mong manh; chúng không thể tự mình tồn tại. Bạn có thể khai thác điều này từ nó. Bạn có thể bắt ép đứa trẻ học những thứ mà bạn muốn nó phải học - hệt như cách người ta huấn luyện chim bồ câu chơi Ping-Pong; thủ thuật tương tự nhau không khác gì: thưởng và phạt. Nếu chúng chơi; chúng được thưởng, nếu không chúng sẽ bị phạt. Nếu chúng di chuyển đúng cách người huấn luyện muốn, chúng sẽ được thưởng đó ăn, nếu chúng di chuyển sai ý đồ người huấn luyện, chúng sẽ bị một cú sốc điện nhẹ. Thậm chí ngay cả bồ câu cũng bắt đầu học cách chơi Ping-Pong.

Đó là những gì xảy ra trong sở thú. Bạn có thể đến đó mà xem. Thậm chí sư tử, những con sư tử đẹp bị nhốt trong lồng, voi thì di chuyển dựa theo cách sợi roi da của người huấn luyện. Chúng đang bị nô lệ hóa và họ thưởng cho chúng - thưởng và phạt - đây là toàn bộ trò chơi.

Những gì người ta làm trong sở thú với những con vật bạn đang làm với chính những đứa con của bạn. Nhưng bạn làm nó mà không nhận thức được toàn bộ trò chơi bởi vì nó cũng đã được làm với bạn theo cùng cách đó. Đây là cách duy nhất mà bạn biết để làm sao huấn luyện và dạy dỗ một đứa trẻ. Đây là những gì bạn gọi là “dạy dỗ” “nuôi nấng” đấy, trên thực tế nó chỉ làm hại thôi. Nó là cách để bạn ép buộc những đứa trẻ vào cái khuôn mẫu xấu xí thấp kém, hạ chúng xuống chứ không phải là cách để nâng chúng lên một tầm cao mới.

Một đứa trẻ thường không biết cái gì là đúng, cái gì là sai. Chúng ta dạy chúng. Chúng ta dạy chúng theo hình mẫu trong tâm trí mình. Cùng một thứ có thể là đúng ở Tây Tạng nhưng sai ở Ấn Độ, cùng một thứ có thể đúng trong nhà bạn nhưng sai trong nhà hàng xóm của bạn. Nhưng bạn vẫn cố nhồi nhét, áp đặt những thứ ấy vào trong đứa trẻ: “Điều này là đúng, điều này là sai”. Đứa trẻ được chấp thuận khi nó làm việc này và bị từ chối khi nó làm việc khác. Khi nó nghe lời bạn, bạn hạnh phúc và bạn vỗ nhẹ vào chúng; khi nó không nghe lời bạn, bạn tức giận và bạn tra tấn bọn trẻ bằng những cái vỗ mạnh hơn, bạn đánh đòn chúng, bạn bỏ đói chúng, bạn không trao tình yêu đến chúng nữa.

Một cách tự nhiên đứa trẻ bắt đầu hiểu rằng sự tồn tại của nó là xung quanh một cái cọc. Nếu nó nghe lời cha mẹ thế thì mọi thứ đều ổn, nếu không họ sẽ trừng phạt nó. Đứa trẻ có thể làm gì bây giờ? Làm cách nào nó có thể thuyết phục chính mình chống lại quyền lực khủng khiếp của cha mẹ? Cha mẹ như một lực lượng khổng lồ, đầy quyền lực, họ có thể làm bất cứ gì.

Ngày trôi qua đứa trẻ trở nên mạnh hơn và khi ấy nó đã bị thiết lập xong rồi. Lúc này sự thiết lập, áp đặt đã đi vào sâu thẳm bên trong nó đến nỗi không cần cha hay mẹ theo sát chúng nữa. Sự cài đặt bên trong này chính là những gì mà được gọi là lương tâm, lương tâm này sẽ theo đuổi và tra tấn nó.

Ví dụ, nếu đứa trẻ bắt đầu chơi với bộ phận sinh dục của chúng - đây là trò đơn giản mang lại niềm vui cho đứa trẻ, một niềm vui rất tự nhiên, bởi vì cơ thể của đứa trẻ vốn rất nhạy cảm - nó không mang chút dục tính nào cả như cách bạn hay nghĩ rằng cứ đụng vào đó là sinh ra dục tính. Đứa trẻ rất rất sống động và tự nhiên sự sống động của cơ thể lôi kéo nó chú ý vào bộ phận sinh dục hơn là các bộ phận khác trên cơ thể. Đó là nơi mà toàn bộ năng lượng cuộc sống được tích trữ, nó là điểm nhạy cảm nhất. Đụng vào đó và chơi với bộ phận ấy khiến đứa trẻ hoàn toàn hạnh phúc, vui vẻ, hài lòng - nhưng bạn thì sợ. Nó là vấn đề của bạn. Bạn bắt đầu sợ rằng đứa trẻ sẽ thủ dâm hay sao đó. Nó không phải như thế. Nó đơn giản là một người đang thích thú khám phá cơ thể mình để hiểu chính mình. Hoàn toàn vô hại.

Nhưng nó lại là ám ảnh tội lỗi của bạn, nỗi sợ của bạn. Ai đó có thể thấy con trai bạn đang làm vậy và họ có thể nghĩ rằng bạn không biết cách nuôi dạy con cái “Hãy làm cho chúng cư xử văn minh, dạy chúng đừng làm như thế” Vậy nên bạn dừng đứa trẻ lại, bạn la mắng nó. Bạn nói “Bỏ ra ngay” hết lần này đến lần khác và cái sự tức giận của bạn sẽ đi rất sâu vào trong tâm trí đứa trẻ, trở thành thứ gọi là “lương tâm”, một phần vô thức của đứa trẻ. Sau đó thì sao? Khi lương tâm này vận hành, chỉ cần đứa trẻ tự đụng vào chính nó, không cần bạn ở bên la mắng, tự đứa trẻ sẽ cảm thấy có lỗi, thấy sợ, nó sẽ nghe thấy tiếng của bạn bên tai “Bỏ ra ngay”. Nó có thể tưởng tượng cha mẹ nó đang ở xung quanh nhìn ngóc - nó cảm thấy có lỗi. Nhất là khi người ta bắt đầu dạy đứa trẻ về một “thượng đế là cha đang quan sát khắp xung quanh”, ý tưởng này về thượng đế là một sự gây tê liệt tạm thời, sau đó bạn sẽ không còn tự do chút nào nữa, thậm chí trong phòng tắm của nhà bạn. Không còn nơi nào mà bạn cảm thấy tự do nữa, Thượng đế toàn năng đang theo dõi bạn khắp mọi nơi như một thám tử sành nghề. Khi bạn làm tình với một người phụ nữ bạn cũng có thể tưởng tượng ra vị thượng đế kì cục ấy cũng đang nhìn bạn với đôi mắt phán xét và ông ấy có vẻ không hài lòng. Quả thật ông ta là siêu-cảnh-sát trong mọi cách - đấy là cách cha mẹ đã tác động vào thứ gọi là lương tâm của bạn.

Cuộc sống là thế: bạn càng biết nhiều, bạn càng sống nhiều - bạn càng sống nhiều lại càng biết nhiều hơn. Chúng đi cùng nhau, tay trong tay - biết và sống là hai mặt của cùng một đồng tiền.

Bản chất của cuộc sống là tự nhiên, bất kì cái gì bạn làm đều tự nhiên. Bản năng là thứ tuyệt vời bạn được trao cho, dục là món quà của tự nhiên, niềm vui trong khi ăn uống cũng vậy. Nhưng các tôn giáo kết án bạn vì những thứ thuộc bản năng tự nhiên ấy. Họ cứ kết án mọi thứ thuộc về tự nhiên và thông qua đó tạo ra mặc cảm trong bạn - cái gọi là lương tâm nữa. Toàn thể trái tim bạn đầy mặc cảm. Mặc cảm đó kéo bạn lại, không cho phép bạn sống một cách toàn bộ. Nó không cho phép bạn thưởng thức và ca múa hân hoan, nó kìm nén bạn bằng nhiều phương cách mà mặc cảm và lương tâm là hai trong số chúng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

SACH OSHO

https://ilook.asia/sach/toan-tap-tac-pham-bac-thay-osho-60.html